Các loại máy đo huyết áp
Thị trường hiện có hai dòng máy đo huyết áp phổ biến là máy đo huyết áp cổ điển và máy đo huyết áp điện tử. Máy cổ điển gồm một túi hơi cao su, đồng hồ áp lực, quả bóng bóp để tạo áp lực, ống nghe tim và cột thủy ngân.Ưu điểm của máy cổ điển là giá rẻ, khoảng vài trăm ngàn đồng, dùng không cần pin, nhưng cách sử dụng phức tạp hơn loại máy điện tử, đòi hỏi người dùng phải có kiến thức nhất định. Những năm gần đây, loại máy đo huyết áp điện tử bán tự động (bơm hơi bằng tay) và tự động hoàn toàn (bơm hơi tự động) “lên ngôi” do tính tiện dụng.
Hai loại này đều có màn hình hiển thị thông số huyết áp, nhịp tim, lưu hồ sơ đo huyết áp vài chục lần của 2-3 người. Đồng thời, một số model máy còn có chức năng in luôn kết quả rất tiện cho việc lưu trữ, theo dõi. Một số model khác có chức năng báo giờ đo huyết áp để “nhắc nhở” người dùng hay model máy có giọng nói hướng dẫn người dùng thao tác cho đúng cách... Phần lớn các máy đều tự động tắt nguồn khi không sử dụng để tiết kiệm pin.
Giá thành dao động từ 1-2 triệu đồng/sản phẩm tùy theo chức năng, thương hiệu, xuất xứ. Thị trường hiện nay có rất nhiều các loại máy đo huyết áp có xuất xứ từ Nhật (Omron, Citizen) từ Singapore (Oto), Đức (Medisana)… và nhiều nước khác.
Hầu hết các máy đều được bảo hành 2 năm. Khi mua, khách hàng nên chú ý lựa chọn loại máy có chứng nhận của các tổ chức giám định chất lượng uy tín trong nước hoặc quốc tế. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể phân loại máy đo huyết áp theo chỗ đo. Thị trường hiện có loại máy đo ở bắp tay, cổ tay, thậm chí ngón tay (không thông dụng lắm). Trong đó, loại đo ở bắp tay cho kết quả chính xác hơn loại máy đo ở cổ tay do cổ tay nhạy cảm với thân nhiệt và tư thế của người đo hơn bắp tay. Đối với loại máy đo huyết áp cổ tay, để có kết quả chính xác đòi hỏi phải thao tác chuẩn (vị trí đặt máy phải ngang bằng với tim). Để khắc phục nhược điểm của loại máy này, gần đây đã xuất hiện nhiều loại máy đo huyết áp cổ tay được gắn thêm cảm biến định vị, máy sẽ tự dò tìm vị trí đo thích hợp để cho kết quả chính xác. 5 bước đo huyết áp Nhìn chung, các máy đo huyết áp điện tử có cách sử dụng đơn giản gồm 5 bước: quấn băng quanh bắp tay hay cổ tay (tùy loại), bật công tắc, máy tự động bơm hơi cho băng quấn phồng lên và xẹp dần theo cơ chế tự động (nếu máy bán tự động thì bơm hơn bằng tay). Nhìn màn hình đọc kết quả. Nhấn nút thoát khí để khí thoát ra hết khỏi băng quấn (máy bán tự động thì xả van khí). Nếu muốn đo tiếp thì chờ 2-3 phút rồi lặp lại thao tác trên.
Để máy được bền, bạn nên cất giữ cẩn thận, không để các ống của máy bị xoắn, nứt, thủng và để máy nơi thoáng mát.
Những điều cần biết về huyết áp .Huyết áp bình thường ở người lớn là huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg.
Cao huyết áp: Khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên. Giá trị nằm giữa huyết áp bình thường và cao huyết áp (huyết áp tâm thu từ 120-139mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80-89mmHg) được gọi là tiền cao huyết áp. Hạ huyết áp (huyết áp thấp) được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu dưới 90mmHg hoặc giảm 25mmHg so với bình thường. Đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý như suy tim, nhiễm trùng, mất nước... Trước khi đo huyết áp, người sử dụng cần lưu ý: nghỉ ngơi 3-5 phút trước khi đo huyết áp để tránh huyết áp cao do trước đó vận động; không giận dữ, lo âu, không nói chuyện; đặt cánh tay lên bàn hay nơi nào đó để tay có độ cao ngang tim; tư thế thoải mái, thẳng lưng, khoanh chân. Minh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét